Trường Trung Cấp Nghề KTKTCN TB
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

CUỘC THI TÌM HIỂU LUẬT VIÊN CHỨC VÀ LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG 5 / 2012

Go down

CUỘC THI TÌM HIỂU LUẬT VIÊN CHỨC VÀ LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG 5 / 2012  Empty CUỘC THI TÌM HIỂU LUẬT VIÊN CHỨC VÀ LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG 5 / 2012

Bài gửi  Admin Tue May 15, 2012 3:55 pm

CUỘC THI TÌM HIỂU
LUẬT VIÊN CHỨC VÀ LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG


Câu 1: Luật viên chức được ban hành ngày, tháng, năm nào? Hiệu lực thi hành của Luật? Nêu khái niệm và phân biệt công chức với viên chức?
Trả lời
*Ngày 15 tháng 11 năm 2010 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật Viên chức.
*Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2012.
*Khái niệm viên chức:
Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
*Khái niệm công chức :
Theo Điều 4, 5 Luật cán bộ công chức quy định :
Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng Sản Việt Nam, nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội ở trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng Sản Việt Nam, nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng Sản Việt Nam, nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội ( gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Cán bộ xã, phường, thị trấn ( gọi chung là cấp xã) là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực HĐND, UBND, Bí thư, Phó bí thư Đảng uỷ, người đứng đầu tổ chức chính trị- xã hội; công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc UBND cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
* Phân biệt công chức và viên chức:
Tiêu chí
phân biệt Công chức Viên chức
Nhiệm vụ,
quyền hạn Vận hành quyền lực nhà nước, làm nhiệm vụ quản lý. Thực hiện chức năng xã hội trực tiếp thực hiện nghiệp vụ.
Hình thức
tuyển dụng Thi tuyển, bổ nhiệm, có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuộc biên chế. Xét tuyển, ký hợp đồng làm việc.
Hưởng lương Hưởng lương từ ngân sách nhà nước, theo ngạch bậc. Hưởng lương một phần từ ngân sách, còn lại là nguồn thu sự nghiệp.
Nơi làm việc Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội(Thành Đoàn, Thành uỷ) Đơn vị sự nghiệp và đơn vị sự nghiệp của các tổ chức xã hội.

Câu 2: Trong hoạt động nghề nghiệp của mình, viên chức phải tuân thủ những nguyên tắc nào? Việc quản lý viên chức được thực hiện theo nguyên tắc nào?
Trả lời
* Điều 5 Luật viên chức quy định các nguyên tắc trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức gồm:
- Tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình thực hiện hoạt động nghề nghiệp .
- Tận tụy phục vụ nhân dân.
- Tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử.
- Chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và của nhân dân.
* Các nguyên tắc quản lý viên chức được quy định tại Điều 6 Luật Viên chức bao gồm:
- Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam và sự thống nhất quản lý của Nhà nước.
- Bảo đảm quyền chủ động và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
- Việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá viên chức được thực hiện trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và căn cứ vào hợp đồng làm việc.
- Thực hiện bình đẳng giới, các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với viên chức là người có tài năng, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, viên chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn và các chính sách ưu đãi khác của Nhà nước đối với viên chức.
Câu 3: Các quyền và nghĩa vụ của viên chức được pháp luật quy định như thế nào?
* Luật Viên chức quy định viên chức có các quyền cơ bản sau đây:
1. Quyền của viên chức về hoạt động nghề nghiệp:
- Được pháp luật bảo vệ trong hoạt động nghề nghiệp.
- Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.
- Được đảm bảo trang bị, thiết bị và các điều kiện làm việc.
- Được cung cấp thông tin liên quan đến công việc hoặc nhiệm vụ được giao.
- Được quyền từ chối thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ trái với quy định của pháp luật.
2. Quyền của viên chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương:
- Được trả lương tương xứng với vị trí làm việc, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý và kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao; được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi trong trường hợp làm việc ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xã, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn hoặc làm việc trong ngành nghề có môi trường độc hai, nguy hiểm, lĩnh vực sự nghiệp đặc thù.
- Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Được hưởng tiền lương, được xét nâng lương theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Quyền của viên chức về nghỉ ngơi:
- Được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về luật lao động. Do yêu cấu công việc, viên chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì được thanh toán một khoản tiền cho những ngày không nghỉ.
- Viên chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoặc trường hợp đặc biệt khác, nếu có yêu càu, được gộp số ngày nghỉ phép của 2 năm để nghỉ một lần; Nếu gộp số ngày nghỉ phép của 3 năm để nghỉ một lần thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
- Đối với lĩnh vực sự nghiệp đặc thù, viên chức được nghỉ việc và hưởng lương theo quy định của pháp luật.
- Được nghỉ không hưởng lương trong trường hợp lý do chính đáng và được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập
4. Quyền của viên chức về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian qui định:
- Được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc qui định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có qui định khác
-Được kí hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
- Được góp vốn nhưng không tham gia quản lí, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và các tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có qui định khác.
5. Các quyền khác:
- Viên chức được khen thưởng, tôn vinh, được tham gia hoạt động kinh tế - xã hội; được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở; được tạo điều kiện học tập, hoạt động nghề nghiệp ở trong nước và nước ngoài theo qui định của pháp luật. Trường hợp bị thương hoặc chết do thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao thì được xét hưởng chính sách như thương binh hoặc được xét để công nhận là liệt sĩ theo qui định của pháp luật.
* Viên chức có các nghĩa vụ sau đây:
1. Nghĩa vụ chung của viên chức:
- Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng Sản Việt Nam và pháp luật của nhà nước.
- Có nếp sống lành mạnh, trung thực, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
- Có ý thức tổ chức kỉ luật và trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp; thực hiện đúng các qui định, nội qui, qui chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Bảo vệ bí mật nhà nước; giữ gìn và bảo vệ của công, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản được giao.
- Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, thực hiện qui tắc ứng xử của viên chức.
2. Nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp:
- Thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao bảo đảm yêu cầu về thời gian và chất lượng.
- Phối hợp tốt với đồng nghiệp trong thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ.
- Chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền.
- Thường xuyên học tập nâng cao trình độ, kĩ năng chuyên môn, nghiệp vụ.
- Khi phục vụ nhân dân, viên chức phải tuân thủ các qui định sau:
Có thái độ lịch sự, tôn trọng nhân dân;
Có tinh thần hợp tác, tác phong khiêm tốn;
Không hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà đối với nhân dân;
Chấp hành các qui định về đạo đức nghề nghiệp;
- Chịu trách nhiệm về việc thực hiện hoạt đông nghề nghiệp.
- Thực hiện các nghĩa vụ khác theo qui định của pháp luật.
3. Nghĩa vụ của viên chức quản lí:
Viên chức quản lí thực hiện các nghĩa vụ qui định tại Điều 16, Điều 17 của Luật viên chức và các nghĩa vụ sau:
- Chỉ đạo và tổ chức thực hịên các nhiệm vụ của đơn vị theo đúng chức trách, thẩm quyền được giao;
- Thực hiện dân chủ, giữ gìn sự đoàn kết, đạo đức nghề nghiệp trong đơn vị được giao quản lí, phụ trách;
- Chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về việc thực hiện hoạt động nghề nghiệp của viên chức thuộc quyền quản lí, phụ trách;
- Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực; quản lí, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, tài chính trong đơn vị được giao quản lí, phụ trách;
- Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đơn vị được giao quản lí, phụ trách.
4. Viên chức không được làm những việc sau đây:
- Chốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc; tham gia đình công.
- Sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị và của nhân dân trái với qui định của pháp luật.
- Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.
- Lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền chống lại chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc gây phương hại đối với thuần phong, mĩ tục, đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân và xã hội.
- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
- Những việc khác viên chức không được làm theo qui định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các qui định khác của pháp luật có liên quan.
Câu 4: Trình bày căn cứ, nguyên tắc, điều kiện đăng kí dự tuyển viên chức? Phương thức tuyển dụng viên chức?
Trả lời
* Căn cứ tuyển dụng viên chức được qui định tại Điều 20 Luật viên chức như sau:
Việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quĩ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập.
*Nguyên tắc tuyển dụng
Điều 21 Luật viên chức qui định khi tuyển dụng viên chức cần phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đúng pháp luật.
- Bảo đảm tính cạnh tranh.
- Tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.
- Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
- Ưu tiên người có tài năng, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số.
* Điều kiện đăng kí dự tuyển viên chức
Điều 22 Luật viên chức qui định :
1. Người có đủ các điều kiện sau đây không phân dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng kí dự tuyển viên chức:
- Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam;
- Từ đủ 18 tuổi trở lên. Đối với một số lĩnh vực hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tuổi dự tuyển có thể thấp hơn theo qui định của Pháp luật; đồng thời phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật;
- Có đơn đăng kí dự tuyển;
- Có lí lịch rõ ràng;
- Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kĩ năng phù hợp với vị trí việc làm;
- Đủ sức khoẻ để thực hiện công việc hoặc nhịêm vụ;
- Đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do đơn vị sự nghiệp công lập xác định nhưng không được trái với qui định của pháp luật.
2. Những người sau đây không được đăng kí dự tuyển viên chức:
- Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Toà án; đang bị áp dụng biện pháp xử lí hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.
* Phương thức tuyển dụng:
Việc tuyển dụng viên chức được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển.
Câu 5: Các hình thức khen thưởng và kỉ luật đối với viên chức?
Trả lời
* Các hình thức khen thưởng đối với viên chức được qui định tại Điều 51 Luật viên chức như sau:
- Viên chức có công trạng, thành tích và cống hiến trong công tác, hoạt động nghề nghiệp thì được khen thưởng, tôn vinh theo qui định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
- Viên chức được khen thưởng do có công trạng, thành tích đặc biệt được xét nâng lương trước thời hạn, nâng lương vượt bậc theo qui định của Chính phủ.
* Các hình thức kỉ luật đối với viên chức:
- Viên chức vi phạm các qui định của Pháp luật trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong các hình thức kỉ luật sau:
Khiển trách;
Cảnh cáo;
Cách chức;
Buộc thôi việc.
- Viên chức bị kỉ luật bằng một trong các hình thức qui định trên còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo qui định của pháp luật có liên quan.
- Hình thức kỉ luật cách chức chỉ áp dụng đối với viên chức quản lí.
- Quyết định kỉ luật được lưu vào hồ sơ viên chức,
- Chính phủ qui định việc áp dụng các hình thức kỉ luật, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lí kỉ luật đối với viên chức.
Câu 6: Pháp luật qui định như thế nào về chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ công chức? Nội dung qui định chuyển tiếp trong Luật viên chức?
Trả lời
* Điều 58 qui định việc chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ công chức được thực hiện như sau:
- Việc tuyển dụng viên chức vào làm công chức phải thực hịên theo qui định của Pháp luật về cán bộ công chức. Trường hợp viên chức đã có thời gian làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ 5 năm trở lên thì được xét chuyển thành công chức không qua thi tuyển;
- Viên chức được tiếp nhận, bổ nhiệm vào vị trí việc làm được pháp luật qui định là công chức thì quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm đồng thời là quyết định tuyển dụng;
- Viên chức được bổ nhiệm giữ các vị trí trong bộ máy lãnh đạo, quản lí của đơn vị sự nghiệp công lập mà pháp luật qui định là công chức thì được bổ nhiệm vào ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm, tiền lương được hưởng theo cơ chế trả lương của đơn vị sự nghiệp công lập, được giữ nguyên chức danh nghề nghiệp đã được bổ nhiệm, được thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo qui định của Luật này và các qui định khác của pháp luật có liên quan;
- Cán bộ, công chức được chuyển sang làm viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập khi đáp ứng các điều kiện theo qui định của Luật này;
- Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lí của đơn vị sự nghiệp công lập khi hết thời hạn bổ nhiệm mà không được bổ nhiệm lại nhưng vẫn tiếp tục làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập đó thì được chuyển làm viên chức và bố trí công tác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ;
- Quá trình cống hiến, thời gian công tác của viên chức trước khi chuyển sang làm cán bộ, công chức và ngược laị được xem xét khi thực hịên các nội dung liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng và các quyền lợi khác.
* Qui định chuyển tiếp:
Theo Điều 59 Luật viên chức qui định:
- Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2003 có các quyền , nghĩa vụ và được quản lý như viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn theo quy định của Luật này. Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục để bảo đảm các quyền lợi, chế độ chính sách về ổn định việc làm, chế độ tiền lương và các quyền lợi khác mà viên chức đang hưởng.
- Viên chức được tuyển dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2003 đến ngày Luật viên chức có hiệu lực tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập. có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý theo quy định của Luật này.
- Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Câu 7 : Luật phòng, chống tham nhũng được Quốc hội thông qua ngày, tháng, năm nào? Hiệu lực thi hành của Luật? Luật quy định những hành vi nào là hành vi tham nhũng và nguyên tắc xử lý tham nhũng?
Trả lời
* Ngày 29/11/2005 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật phòng, chống tham nhũng (được sửa đổi, bổ sung năm 2007).
* Luật phòng, chống tham nhũng có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2006.
* Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng quy định cụ thể 12 hành vi tham nhũng gồm:
- Tham ô tài sản.
- Nhận hối lộ.
- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
- Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.
- Giả mạo trong công tác vì vụ lợi.
- Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi.
- Nhũng nhiễu vì vụ lợi.
- Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
* Nguyên tắc xử lý tham nhũng:
Theo Điều 4 Luật phòng, chống tham nhũng :
- Mọi hành vi tham nhũng đều phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh.
- Người có hành vi tham nhũng ở bất kỳ cương vị, chức vụ nào phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.
- Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
- Người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát hiện, tích cực hạn chế thiệt hại do hành vi trái pháp luật của mình gây ra, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng thì có thể được xem xét giảm nhẹ hình thức kỷ luật, giảm nhẹ hình phạt hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Việc xử lý tham nhũng phải được thực hiện công khai theo quy định của pháp luật.
- Người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác vẫn phải bị xử lý về hành vi tham nhũng do mình đã thực hiện.
Câu 8: Phòng ngừa tham nhũng được quy định như thế nào?
Trả lời
Toàn bộ nội dung chương II Luật phòng, chống tham nhũng quy định về phòng ngừa tham nhũng, gồm 48 điều ( từ Điều 11 đến Điều 58). Số lượng các điều trong Chương phòng ngừa tham nhũng chiếm hơn một nửa tổng số điều của đạo luật( 48/92 điều). Điều đó phản ánh mức độ quan trọng của chế định phòng ngừa tham nhũng . Có thể nói phòng ngừa tham nhũng là tinh thần chủ đạo của Luật phòng, chống tham nhũng; thể hiện quan điểm, đường lối của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, đó là " lấy phòng ngừa là chính".
Sáu nội dung chính( còn gọi là 6 nhóm giải pháp cơ bản) để phòng ngừa tham nhũng gồm:
- Công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn.
- Quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức.
- Minh bạch tài sản thu nhập.
- Chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng.
- Cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý và phương thức thanh toán.
Câu 9: Nguyên tắc và nội dung công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị? Các hình thức công khai?
Trả lời
*Điều 11 Luật phòng, chống tham nhũng quy định nguyên tắc và nội dung công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị gồm:
- Chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật phải được công khai, minh bạch, bảo đảm công bằng, dân chủ.
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai hoạt động của mình, trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước và những nội dung khác theo quy định của Chính phủ.
* Điều 12 Luật phòng, chống tham nhũng quy định hình thức công khai gồm:
- Công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan;
- Phát hành ấn phẩm;
- Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng;
- Đưa lên trang thông tin điện tử;
- Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Ngoài những trường hợp pháp luật có quy định về hình thức công khai, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm lựa chọn một hoặc một số hình thức công khai quy định trên.
Câu 10: Luật phòng, chống tham nhũng quy định những việc nào cán bộ, công chức, viên chức không được làm?
Điều 37 Luật phòng, chống tham nhũng quy định:
1. Cán bộ, công chức, viên chức không được làm những việc sau đây:
- Cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong khi giải quyết công việc;
- Thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân , công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Làm tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, các nhân khác ở trong nước và nước ngoài về các công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc mình tham gia giải quyết;
- Kinh doanh trong lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ trong một thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;
- Sử dụng trái phép thông tin , tài liệu của cơ quan , tổ chức, đơn vị vì vụ lợi.
2. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
3. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán -tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp .
5. Cán bộ, công chức, viên chức là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác trong doanh nghiệp của Nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ , con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp.
6. Quy định tại các khoản 1,2,3 và 4 Điều 37 cũng được áp dụng đối với các đối tượng sau đây:
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân;
- Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn-kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân.
Câu 11: Cán bộ, công chức, viên chức có nghĩa vụ gì trong báo cáo và xử lý báo cáo về dấu hiệu tham nhũng ? Việc khen thưởng người tố cáo được quy định thế nào?
Trả lời
* Điều 38 Luật phòng, chống tham nhũng quy định :
- Khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng trong cơ quan , tổ chức, đơn vị nơi mình làm việc thì cán bộ, công chức, viên chức phải báo cáo ngay với người đứng đầu cơ quan , tổ chức, đơn vị đó; trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến dấu hiệu tham nhũng đó thì báo cáo với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp.
- Chậm nhất là mười ngày kể từ ngày nhận được báo cáo về dấu hiệu tham nhũng, người được báo cáo phải xử lý vụ việc theo thẩm quyền hoặc chuyển cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét xử lý và thông báo cho người báo cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn trên có thể kéo dài nhưng không quá ba mươi ngày; trường hợp cần thiết thì quyết định hoặc đề nghị người có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn , khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng và bảo vệ người báo cáo.
Cán bộ, công chức, viên chức biết được hành vi tham nhũng mà không báo cáo, người nhận được báo cáo về dấu hiệu tham nhũng mà không xử lý thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
* Điều 67 Luật phòng, chống tham nhũng quy định về khen thưởng người tố cáo:
Người tố cáo trung thực, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi tham nhũng thì được khen thưởng về vật chất, tinh thần theo quy định của pháp luật.
Câu 12: Luật phòng, chống tham nhũng quy định như thế nào về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách?
Trả lời
Điều 54 Luật phòng, chống tham nhũng quy định:
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ.
- Cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình trực tiếp phụ trách.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm liên đới về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do cấp phó của mình trực tiếp phụ trách.
- Người đứng đầu đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong đơn vị do mình quản lý.
- Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu và cá nhân khác có trách nhiệm trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp và các tổ chức khác có sử dụng ngân sách nhà nước về việc để xảy ra hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của Luật này và điều lệ, quy chế của tổ chức đó.
- Trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại các khoản 1,2 và 3 Điều 54 được loại trừ trong trường hợp họ không thể biết được hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng.
Câu 13: - Theo đồng chí, viên chức cần làm gì để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân . Liên hệ thực tế ở cơ quan, đơn vị đồng chí.
( Chú ý: Câu trả lời cần ngắn gọn, xúc tích, có liên hệ thực tế, viết tối đa không quá 1000 từ)
Trả lời

Như chúng ta đã biết, cuộc đời và hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức tiêu biểu nhất của Đảng ta. Thật xúc động khi đọc Di chúc của Người : "Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa"

Mặt khác, yêu nước, thương dân là phẩm chất cao quý hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn 100 năm trước, yêu nước, thương dân là xuất phát điểm, là động lực thúc giục người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết chí ra nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân. Như bộc bạch của Người lúc ấy: "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu". Những năm 20 của thế kỷ XX, khi tiếp cận với chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Người trở thành chiến sĩ kiên cường đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc, bảo vệ quyền lợi, phẩm giá con người của các dân tộc thuộc địa. Trở thành người cộng sản, Người sáng lập và xây dựng Đảng ta làm người dẫn đường cho toàn thể nhân dân Việt Nam đoàn kết đấu tranh giành độc lập dân tộc, đem lại quyền làm chủ đất nước, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân.
Ngày nay trong thời kì hội nhập WTO, Công Nghiệp Hoá - Hiện Đại Hoá đất nước, suy nghĩ về tấm gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh, là một viên chức công tác, giảng dạy trong Trường Trung Cấp Nghề Kinh Tế Kỹ Thuật Công Nghiệp Thái Bình khi phục vụ nhân dân cần:
1. Có thái độ lịch sự, tôn trọng nhân dân
2. Có tinh thần hợp tác, tác phong khiêm tốn
3. Không hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà đối với nhân dân
4. Chấp hành các qui định về đạo đức nghề nghiệp
5. Chịu trách nhiệm về việc thực hiện hoạt động nghề nghiệp
6. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo qui định của pháp luật
7. Lắng nghe ý kiến của nhân dân để xây dựng tập thể Nhà Trường phát triển vững mạnh
8. Chịu sự giám sát của nhân dân
9. Phát triển nhiều hình thức quảng bá, giới thiệu về Trường, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo... để nhân dân tin tưởng gửi con em đến học tại Trường
10. Không ngứng phấn đấu, rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

[b]
Admin
Admin
Admin - ĐỖ THỊ HƯƠNG MỸ - NGƯỜI ĐIỀU HÀNH
Admin - ĐỖ THỊ HƯƠNG MỸ - NGƯỜI ĐIỀU HÀNH

Tổng số bài gửi : 178
Join date : 21/03/2011
Age : 41
Đến từ : VIỆT NAM

https://ttcnktktcntb.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết